Đó là nhận định của Đại biểu HĐND TP Hà Nội, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ Hà Nội (HANSIBA) Nguyễn Hoàng chia sẻ về những khó khăn và thuận lợi của ngành công nghiệp hỗ trợ Hà Nội qua một năm.
Thiếu doanh nghiệp đầu tàu
– Với tư cách là Chủ tịch HANSIBA, ông đánh giá như thế nào về những nỗ lực và những kết quả mà ngành công nghiệp hỗ trợ Hà Nội đã đạt được trong năm qua?
– Nỗ lực và kết quả ngành công nghiệp hỗ trợ (CNHT) Hà Nội đã đạt được trong năm qua thực sự chưa nhiều, mặc dù các doanh nghiệp (DN) CNHT Hà Nội cũng đã hình thành, vươn lên và chủ động sản xuất, đầu tư các sản phẩm linh kiện cho các tập đoàn nước ngoài có mặt tại Việt Nam. Ví dụ như Công ty TNHH Nhật Minh IST; Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Hikari Vietnam P&T, Công ty CP Sunpla… sản xuất linh kiện nhựa cung ứng cho Canon. Công ty TNHH Vật liệu Tầm nhìn Việt;
Công ty CP Cơ khí chính xác và chuyển giao công nghệ PMTT; Công ty TNHH Thương mại và Công nghiệp Minh Quang, Công ty Mạnh Quang… sản xuất linh kiện cơ khí, điện tử cho Toyota, Honda, Yamaha, Samsung… và một số công ty đã chiếm lĩnh một phần thị trường trong nước như Công ty CP Khóa Việt Tiệp; Công ty CP Cơ điện Toàn Cầu (Tomeco) sản xuất quạt điện công nghiệp…
Tuy nhiên, tỷ trọng các DN sản xuất cung cấp được linh phụ kiện ngành CNHT còn rất khiêm tốn, chỉ đạt khoảng 5 – 10% so với nhu cầu trong nước và hướng tới hội nhập toàn cầu. Hiện Hà Nội có khoảng vài trăm DN tham gia sản xuất các sản phẩm CNHT trong tổng số khoảng 200.000 DN đang hoạt động sản xuất kinh doanh (SXKD).
– Là người tâm huyết với ngành CNHT, ông cho rằng nước ta sẽ vượt qua những khó khăn trong việc xây dựng ngành này bằng cách nào?
– Để Việt Nam có thể tham gia được vào chuỗi sản xuất toàn cầu tức xây dựng phát triển ngành CNHT thực sự có rất nhiều trở ngại. Chúng ta đã mất đi cơ hội lần thứ nhất từ khi có chính sách thu hút đầu tư nước ngoài, mở cửa hội nhập. Ngay từ lúc đó chúng ta cần có chính sách hết sức cụ thể để khuyến khích, hướng dẫn các DN Việt Nam tham gia đầu tư sản xuất các sản phẩm ngành CNHT, cung cấp cho các DN, tập đoàn FDI khi đầu tư vào Việt Nam như Toyota, Honda, Canon, Ford… Thậm chí phải “ép buộc” các DN FDI phải thực hiện gia tăng tỷ lệ nội địa hóa từng năm, phải đặt hàng và hỗ trợ các DN Việt Nam sản xuất cung cấp linh kiện cho họ.
Khi nền kinh tế hội nhập, thị trường rộng lớn, các DN Việt Nam đã có tích lũy kinh nghiệm… thì việc vượt qua khó khăn để phát triển ngành CNHT không phải là quá khó. Tuy nhiên tôi cho rằng, để ngành CNHT của Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung phát triển cần có chỉ đạo thống nhất để có những doanh nghiệp đầu tàu, từ đó tạo ra các “toa tàu” là những DN ngành CNHT 100% mang thương hiệu Việt Nam.
Để đạt mục tiêu này, cần có chính sách giải quyết khi có rủi ro trong sản xuất, kinh doanh, tức là dám đương đầu với những rủi ro của ngành trong thực tiễn.
Chính sách chưa đến tay doanh nghiệp
– Thực tế, thời gian qua, đã có nhiều chủ trương, chính sách cho ngành công nghiệp hỗ trợ. Ông đánh giá như thế nào về những chủ trương, chính sách này?
– Phải công tâm rằng, thời gian qua, Đảng, Nhà nước đã quan tâm rất lớn, nhiều chính sách ra đời để thúc đẩy phát triển ngành CNHT. Song cũng cần thừa nhận các chính sách này chưa đến được tận tay từng DN CNHT. Có phải do vậy mà DN chưa nhìn rõ tiềm năng và lợi thế để tham gia thị trường quyết liệt hơn, dẫn đến thực tế, hàng năm, chúng ta vẫn phải bỏ ra hàng chục tỷ USD để nhập khẩu linh, phụ kiện CNHT.
– Vậy điều cần từ phía chính sách là gì, thưa ông?
– Tôi cho rằng, Nhà nước cần đưa ra những chính sách thiết thực, cụ thể hơn đó là tiêu chí hỗ trợ DN sản xuất linh phụ kiện ngành CNHT, như máy móc công nghệ hiện đại cần để sản xuất, nguồn vốn đủ tốt về lãi suất, thời gian vay. Ngoài ra còn có các ưu đãi về đất đai nhà xưởng, hỗ trợ đầu ra sản phẩm qua việc tạo mối quan hệ giữa các DN FDI và DN Việt Nam…
– Trong giai đoạn hiện nay, nhiều người cho rằng, DN cần có cái tâm, cái tầm vì dân tộc. Quan điểm của ông như thế nào?
– Trong giai đoạn hiện nay không chỉ DN – doanh nhân cần có cái tâm, cái tầm vì dân tộc mà theo tôi phải phát động khơi dậy hơn 92 triệu người dân Việt Nam cùng đồng lòng vì dân tộc. Việt Nam phải phát triển, phải vượt qua mức thu nhập trung bình thấp hiện nay.
Đặc biệt trong giai đoạn hội nhập kinh tế toàn cầu hiện nay thì tinh thần dân tộc càng phải được phát huy, càng phải được thắm đượm để cùng nhau vượt qua khó khăn, thách thức. Cùng nhau liên kết trong cuộc sống, trong phát triển kinh tế để cùng thắng, cùng hạnh phúc.
– Xin cảm ơn ông !
Đinh Loan thực hiện
Theo http://m.daibieunhandan.vn/