Ngày hội khởi nghiệp Quốc gia của học sinh, sinh viên (HSSV) SV_STARTUP lần thứ 3, năm 2020 đã diễn ra trong hai ngày 21 và 22/12/2020 tại trường Đại học Thuỷ Lợi, Hà Nội. Ngày hội được tổ chức với quy mô toàn quốc.Với sự tham gia trực tiếp và trực tuyến của gần 20 triệu HSSV đến từ 400 trường đại học, cao đẳng, trung cấp và các trường THCS, THPT.
Tham gia đồng hành tài trợ của các đơn vị: Ngân hàng Vietcombank, Bắc Á Bank, Tập đoàn Lê Khánh, Tập đoàn N&G group, Tập đoàn Xây dựng Hoà Bình, Hiệp hội Doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ Hà Nội (HANSIBA) …
Cuộc thi được phát động từ tháng 7/2020, đến nay đã nhận được gần 600 bài dự thi, tăng gấp hai lần so năm 2019. SV_STARTUP 2020 đã khép lại thành công, với nhiều cung bậc cảm xúc của cả người chiến thắng cũng như những đội chưa đạt giải cao.
Nhưng điều quan trọng và ý nghĩa hơn cả mà các bạn HSSV nhận được, đó chính là tinh thần, động lực để lập nghiệp và khởi nghiệp sáng tạo ngay khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Với sự \”vào cuộc\” đồng hành từ những Diễn đàn Hành trình người khởi nghiệp, giao lưu, chia sẻ với HSSV tại các cơ sở giáo dục đào tạo.
Trong chuỗi sự kiện SV_STARTUP 2020, của đội ngũ Doanh nghiệp. Trong đó có tổ chức Hiệp hội HANSIBA cùng các Doanh nhân Hội viên và thành viên Ban điều hành Trung tâm hỗ trợ Khởi nghiệp SCSI-HANSIBA.
Đến tham dự và phát biểu chỉ đạo tại Ngày hội khởi nghiệp Quốc gia SV_STARTUP 2020, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã chia sẻ cùng HSSV, thế hệ tương lai của Đất nước ngay trong lễ khai mạc:
“Dân tộc Việt Nam nhất định không chấp nhận nghèo mãi nhưng cũng không mong một xã hội có thể thu nhập rất cao, rất giàu nhưng không yên bình, không có tình yêu thương, không an toàn.
Thế giới ngày nay giống như trong một cuộc chạy việt dã về phát triển, cạnh tranh. Trên thế giới có khoảng 200 quốc gia/vùng lãnh thổ, Việt Nam chạy nhanh thứ hai nhưng do xuất phát chậm nên vị trí mới ở khoảng thứ 100. Nếu lơi lỏng một chút, bước sai một chút chúng ta không chỉ bị tụt lại mà có thể bị loại khỏi cuộc đua, đặc biệt trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Từ chỗ đứng ngoài 100 và không được xếp hạng, đến nay nhờ đổi mới, thực hiện tự chủ đại học, chúng ta đã có 4 trường đại học Việt Nam lọt vào top 1.000 trường tốt nhất thế giới trong các bảng xếp hạng có uy tín.
Các trường Đại học cũng chiếm khoảng 85% tổng số bài báo khoa học công bố quốc tế so với tỷ lệ 15% cách đây 5 năm. Các trường đại học đã thực sự chú trọng đến nghiên cứu khoa học và phong trào khởi nghiệp sáng tạo trong sinh viên.
Ngày hôm nay, hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo ở Việt Nam đã có một bước tiến rất dài, đặc biệt trong mấy năm gần đây. Chúng ta đã có trên 60 quỹ đầu tư mạo hiểm, trong các trường Đại học học đã có hơn 70 không gian làm việc chung dành cho start-up, trên 3.000 doanh nghiệp start-up thành công. Điều quan trọng nhất, rất nhiều bạn trẻ, HSSV, đặc biệt từ học sinh phổ thông, đã được khơi dậy khát vọng khởi nghiệp để cùng nhau xây dựng và bảo vệ đất nước.
Chắp cánh ước mơ khởi nghiệp
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Ngô Thị Minh cho biết: Tuy các dự án tham gia cuộc thi mới chỉ dừng lại ở ý tưởng sơ khai, chưa tung ra thị trường. Nhưng việc tham gia cuộc thi là cơ hội giúp HSSV có cơ hội cọ xát, đánh giá về khả năng thực thi của dự án và có thể tiếp cận được với các nhà đầu tư.
Tham dự cuộc thi, các học sinh được thể hiện ý tưởng, tìm kiếm cơ hội để biến ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo của mình thành hiện thực. Đây đồng thời là môi trường quan trọng để kết nối “3 nhà” gồm: Nhà nước – nhà trường – DN.
Với Nhà nước, sản phẩm của giáo dục và đào tạo chính là nguồn nhân lực chất lượng cao; với DN, đây là một sân chơi bổ ích để tìm kiếm ý tưởng, dự án mới để có thể đầu tư và mang lại lợi nhuận cho mình cũng như lợi ích cho cộng đồng, xã hội. Trên thực tế, nguồn lực tài chính, nguồn vốn ban đầu để triển khai luôn là một trong những vấn đề quan trọng đặt ra cho những ai bắt đầu khởi nghiệp.
Nhận thức rõ điều này, nên từ năm 2018, Bộ GD&ĐT đã phối hợp với các bộ, ngành liên quan nghiên cứu xây dựng, hướng dẫn về cơ chế tài chính để triển khai Đề án 1665. Trong đó, có nội dung liên quan đến hỗ trợ nguồn vốn cho HSSV khi tham gia các hoạt động khởi nghiệp tại cơ sở đào tạo và đặc biệt là xây dựng các quỹ hỗ trợ khởi nghiệp từ nguồn xã hội hóa. Cũng theo Thứ trưởng Ngô Thị Minh, nguồn lực lớn nhất khi tham gia khởi nghiệp đổi mới sáng tạo chính là ý tưởng mới, là chất xám, lá cái độc quyền mà HSSV Việt Nam đang sẵn có, cần được khai thác và trao cơ hội cho các em.
Kết quả chung cuộc của cuộc thi, nhóm sinh viên Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP Hồ Chí Minh đã giành giải Nhất với ý tưởng làm giấy từ thân cây chuối dành cho khối sinh viên. Ở khối học sinh, giải Nhất thuộc về dự án “Sản xuất và kinh doanh ống hút từ hạt bơ” của học sinh đến từ Sở GD&ĐT tỉnh Đăk Lắc. Các đội đã nhận được Bằng khen của Bộ GD&ĐT; tiền thưởng; gói hỗ trợ đào tạo, hỗ trợ triển khai dự án trị giá 115 triệu đồng và cơ hội tham gia đàm phán để nhận đầu tư số tiền 40.000 USD.
BAN TRUYỀN THÔNG HANSIBA tổng hợp từ nhandan.com.vn; dantri.com.vn; kinhtedothi.vn