Trang chủTin báo chíPhát huy vai trò ‘bà đỡ’ thúc đẩy phát triển doanh nghiệp...

Phát huy vai trò ‘bà đỡ’ thúc đẩy phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa

(DĐDN) – Như chúng ta đã biết, hiện nay hầu hết các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) đang rất khó khăn về tài chính, công nghệ hạn chế, chịu sự cạnh tranh hết sức khốc liệt ngay trên “sân nhà”.

Hầu hết các DNNVV thiếu vốn sản xuất – kinh doanh, chủ yếu dựa vào vốn tự có. Tín dụng cho các 

DNNVV tăng trưởng rất chậm, chỉ có khoảng 30% DNNVV có thể tiếp cận vốn vay từ ngân hàng thương mại. Hiện có 21 quỹ bảo lãnh tín dụng địa phương, nhưng có tới một nửa số quỹ mới thành lập cuối năm 2013, đầu năm 2014, nên chưa phát huy hiệu quả hoạt động.

Theo số liệu thống kê, có tới 80% số các DNNVV có vốn điều lệ dưới 7 đến 10 tỷ đồng. Khoảng 90% DN phải đi vay vốn ngân hàng, việc tự huy động vốn để đầu tư phát triển sản xuất rất khó khăn do hầu hết các DN này không đủ điều kiện vay ngân hàng hay tiếp cận các tổ chức tài chính quốc tế, càng khó tham gia vào thị trường vốn (chứng khoán, phát hành cổ phiếu…) do không có tài sản đảm bảo, hồ sơ vay vốn không hợp lệ, không có phương án, dự án sản xuất kinh doanh.

Thêm nữa, có tới 48% DNNVV bị ngân hàng từ chối cho vay vốn mà không rõ lý do. DNNVV được kỳ vọng có thể đóng góp vào sự phát triển của các ngành công nghiệp hỗ trợ, hoặc đóng vai trò là nhà cung ứng dịch vụ, sản phẩm đầu vào cho các DN nước ngoài hoặc các dự án lớn của Nhà nước. Quá trình này sẽ thúc đẩy cho các DNNVV trở thành trụ cột để phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ. Tuy nhiên hiện nay, đa số DNNVV Việt Nam chưa tham gia vào được chuỗi giá trị sản xuất toàn cầu.

Để thúc đẩy sự phát triển các DNNVV tại Việt Nam thời gian tới đây cần bám sát nội dung Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16/5/2016 vừa qua được Chính phủ ban hành. Trong đó đã nêu rõ các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp để phát triển DN đến năm 2020. Song song với việc thực hiện các cơ chế chính sách như việc xây dựng và ban hành Luật hỗ trợ DNNVV đang được Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì dự thảo, thì chúng ta cần đẩy mạnh việc tham khảo, áp dụng các mô hình và kinh nghiệm hoạt động hỗ trợ thực tiễn các DNNVV từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan… mà họ đã thực thi thành công nhiều năm qua.

Cụ thể đó là hình thành, tiếp tục đẩy mạnh hiệu quả hoạt động mạng lưới hỗ trợ DNNVV từ Trung ương tới từng địa phương. Phát huy hơn nữa vai trò là “bà đỡ”, cầu nối của các cơ quan như Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), các tổ chức hiệp hội doanh nghiệp, hiệp hội nghề nghiệp tại Việt Nam để từ đó gắn kết, liên kết các DNNVV đóng vai trò phục vụ kinh tế địa phương và tăng cơ hội việc làm.

Thúc đẩy sản xuất tiêu thụ hàng hoá, chiếm lĩnh thị trường trong nước và xuất khẩu của các DNNVV. Ngoài chính sách thúc đẩy hỗ trợ phát triển các DN khởi nghiệp, DN “khởi tạo sản xuất” thì cần tập chung ưu tiên hỗ trợ, dìu dắt các DNNVV này ngay từ vấn đề công nghệ nghiên cứu tính tiện lợi trong kinh doanh, kế hoạch kinh doanh sản phẩm mới sẽ được Nhà nước hỗ trợ từ ban đầu.

Bên cạnh đó, Nhà nước và các tổ chức xã hội nghề nghiệp, như VCCI, các Bộ, ngành và chính quyền địa phương tại Việt Nam cần thúc đẩy, tăng cường giao lưu hợp tác, cộng tác giữa các DNNVV với các DN lớn, các tập đoàn kinh tế sở hữu vốn nhà nước, DN FDI, các trường đại học, viện nghiên cứu để đưa ra các giải pháp, đề xuất kinh doanh mới, các vấn đề kỹ thuật, các thông tin mới về công nghệ… Cùng hợp tác, ưu tiên cung – cầu hàng hoá, đáp ứng nguồn lao động có chất lượng với nhau…

Thực hiện cụ thể chính sách phát triển thị trường, cải tiến chất lượng, chính sách hỗ trợ khởi sự doanh nghiệp (trong đó có hỗ trợ áp dụng công nghệ cao và cải thiện môi trường khởi sự doanh nghiệp, nâng cao tỷ lệ doanh nghiệp hoạt động sau giai đoạn khởi sự); hỗ trợ tài chính (chính sách vay vốn cho doanh nghiệp có tiềm năng công nghệ cao, bảo lãnh tín dụng từ nguồn Quỹ hỗ trợ DNNVV); hỗ trợ nghiên cứu và phát triển (từ nguồn Quỹ đổi mới khoa học công nghệ quốc gia);

Hỗ trợ phát triển thị trường (từ các chương trình xúc tiến đầu tư quốc gia và các địa phương cấp tỉnh, thành hàng năm đều có) nhằm mở rộng thị trường phân phối sản phẩm đổi mới sáng tạo, nâng cao tỷ lệ đấu thầu mua sắm các sản phẩm của DNNVV, hỗ trợ DNNVV mở rộng thị trường quốc tế, thị trường truyền thống trong nước. Chương trình hỗ trợ xuất khẩu qua mạng…

Đó là những giải pháp hỗ trợ hết sức cụ thể, thiết thực từ Nhà nước để cộng đồng DNVVN Việt Nam có cơ hội và điều kiện hình thành, phát triển, đóng góp cho nhiệm vụ xây dựng nền kinh tế Đất nước ngày một vững mạnh.

Nguyễn Vân – Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ TP Hà Nội

Nguồn theo báo http://enternews.vn/

Bài viết liên quan

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Hội viên tiêu biểu

- Advertisment -spot_img

Bài viết phổ biến nhất