Trang chủTin hiệp hộiSCSI-Hansiba dự diễn đàn khởi nghiệp ASEAN 2020

SCSI-Hansiba dự diễn đàn khởi nghiệp ASEAN 2020

Ngày 16/10/2020, tại Hội trường tầng 2 toà nhà Tập đoàn VNPT, số 57 phố Huỳnh Thúc Kháng, Quận Đống Đa, Thủ đô Hà Nội. Phòng Thương mại & Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cùng Hội đồng Tư vấn kinh doanh ASEAN (ASEAN BAC) và Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) đã đồng tổ chức “Diễn đàn Khởi nghiệp ASEAN 2020”.

Với chủ đề “Hợp tác phát triển minh bạch và bền vững trong thời đại số”. Đại diện Ban Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Khởi nghiệp SCSI thuộc Hiệp hội Doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ TP Hà Nội (HANSIBA) thành lập, đã tham dự chương trình cùng một số Start-Up thành viên Câu lạc bộ Khởi nghiệp SCSI theo lời mời của Ban Tổ chức.

Diễn đàn Khởi nghiệp ASEAN 2020 hợp tác phát triển minh bạch và bền vững trong thời đại số sẽ tập trung thảo luận về những chính sách, cơ chế để thúc đẩy hợp tác khởi nghiệp giữa các nước ASEAN, phấn đấu đưa ASEAN trở thành trung tâm phát triển khởi nghiệp bền vững.

Khởi nghiệp của các nước ASEAN nhưng có sức ảnh hưởng lớn không chỉ trong khu vực mà còn cả châu Á về các hoạt động hỗ  trợ, thúc đẩy khởi nghiệp, nhằm tạo sự phát triển minh bạch và bền vững trong thời đại số.

Tại Hội nghị Thượng đỉnh về Khởi nghiệp ASEAN – Hàn Quốc, Chính phủ Việt Nam cũng như các nước ASEAN đều khẳng định khởi nghiệp và khởi nghiệp đổi mới sáng tạo rất quan trọng trong chính sách phát triển của mỗi quốc gia hiện nay.

Nỗ lực của các quốc gia

Mỗi quốc gia trong khu vực ASEAN đều theo đuổi chính sách hỗ trợ khởi nghiệp riêng. Singapore đã đặt mục tiêu chiến lược trở thành “Quốc gia thông minh” (Smart Nation) và đang có những bước đi mạnh mẽ để đạt được mục tiêu này, trong đó có Kế hoạch Nghiên cứu, Đổi mới sáng tạo và doanh nghiệp 2020 (Rie 2020).

Thái Lan coi “các startup là trụ cột quan trọng, họ là những chiến binh kinh tế mới (New economic warriors) tạo ra các lợi ích kinh tế – xã hội, định hình nền kinh tế Đổi mới sáng tạo (Innovation – based economy), giúp nước này thoát khởi bẫy thu nhập trung bình”.

Trong khi Malaysia có một hệ sinh thái phù hợp cho các startup công nghệ toàn cầu định cư và phát triển. Với nỗ lực khẳng định vị trí là trung tâm startup trong khu vực, Chính phủ nước này đang thúc đẩy thu hút các tập đoàn hàng đầu thế giới đặt trụ sở tại Malaysia nhằm đẩy mạnh sự phát triển của cộng đồng startup tại Malaixia và Đông Nam Á.

Còn Việt Nam đang trở thành một “Quốc gia khởi nghiệp” với những con số ấn tượng về cả số lượng và mật độ startup (Công ty khởi nghiệp). Tuy nhiên so với một số nước trong khu vực ASEAN như Singapore, Malaysia, Indonesia thì Việt Nam vẫn còn đứng sau một số nước về mức độ thu hút vốn đầu tư cho khởi nghiệp.

Vì vậy, việc đề xuất những chính sách hỗ trợ, thúc đẩy khởi nghiệp không chỉ cho riêng Việt Nam mà những nước khác trong khu vực, góp phần đưa ASEAN trở thành trung tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của Châu Á và trên thế giới đang là nhu cầu cấp thiết.

Bên cạnh đó, Chính phủ các nước ASEAN cũng cần tạo ra một môi trường thuận lợi và minh bạch để hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp mới đẩy mạnh thu hút đầu tư và hoạt động hiệu quả hơn trong thời đại công nghệ số như hiện nay.

Cần lắm “sức mạnh toàn cầu”

Cách đây 6 năm, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ tại văn bản số 9966/VPCP – V.I ngày 12/12/2014 về thúc đẩy thực hiện liêm chính trong kinh doanh, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã triển khai Chương trình hành động thúc đẩy thực hiện liêm chính trong kinh doanh.

Ở giai đoạn mới, nằm trong dự án Thúc đẩy môi trường kinh doanh minh bạch tại các nước ASEAN giai đoạn 2018 – 2021, chúng tôi đang triển khai một hợp phần mới “Thúc đẩy kinh doanh minh bạch cho các doanh nghiệp mới”…

Qua đó, dự án giúp cho các doanh nghiệp khởi nghiệp, các startup có cơ hội kêu gọi và thu hút được nguồn vốn từ các nhà đầu tư cũng như tìm kiếm cơ hội hợp tác kinh doanh với các đối tác nước ngoài. Đặc biệt, trong thời đại công nghệ số, minh bạch và liêm chính sẽ giúp cho các doanh nghiệp khởi nghiệp thúc đẩy quan hệ hợp tác và làm ăn lâu dài với đối tác trong khu vực và trên thế giới.

Các nước ASEAN với những thế mạnh riêng về khởi nghiệp sẽ cùng tập hợp “sức mạnh bó đũa” để trở thành trung tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của khu vực và châu Á. Và hơn cả, các doanh nghiệp khởi nghiệp sẽ lan tỏa về kinh doanh liêm chính trong cộng đồng khởi nghiệp để hướng tới sự phát triển minh bạch và bền vững trong thời đại số.

Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc – UNDP thông qua sự tài trợ của Quỹ Thịnh Vượng Anh đã triển khai dự án “Thúc đẩy môi trường kinh doanh minh bạch tại các nước ASEAN” giai đoạn 2018 – 2021 tại 6 quốc gia, trong đó có Việt Nam. Đặc biệt, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam có vinh dự được UNDP đề xuất cùng phối hợp thực hiện dự án trong những năm qua. 

Theo Chủ tịch VCCI Tiến sỹ Vũ Tiến Lộc, trong lịch sử ASEAN đã có những “con hổ” kinh tế mới, ở thế kỷ này, chúng ta có thể tạo ra những “vương quốc khởi nghiệp” hàng đầu ở ASEAN.

Phát biểu tại Diễn đàn Khởi nghiệp ASEAN 2020, TS Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Trưởng Ban Chỉ đạo Chương trình Khởi nghiệp Quốc gia, COVID-19 là “sự thức tỉnh”, thế giới sau COVID-19 sẽ không còn là thế giới của ngày hôm qua.

“Ở thế giới mới đó, phát triển bền vững và kinh doanh có trách nhiệm phải được thượng tôn. Khởi nghiệp và tinh thần khởi nghiệp phải là tâm thế của mọi doanh nghiệp bao gồm cả doanh nghiệp mới và doanh nghiệp đã, đang hoạt đông. Theo đó, mãi mãi là khởi nghiệp để chúng ta có thế giới trường tồn, đồng thời, liêm chính phải được đăt vào trái tim mỗi doanh nhân, muốn kinh doanh có hiệu quả phải để sáng tạo trong bộ não của mình, và phải đặt minh bạch trong yêu cầu đầu tiên của mỗi doanh nghiệp”, TS Vũ Tiến Lộc chia sẻ. 

Nhắc lại sự kiện khi Thủ tướng Anh sang thăm Việt Nam, VCCI đã phối hợp với Đại sứ quán Anh tổ chức một sự kiện có “một không hai”, một diễn đàn tập trung bàn về liêm chính trong kinh doanh. Chủ tịch VCCI khẳng định, liêm chính trong kinh doanh là nền tảng, là ngôn ngữ trong kinh doanh, do đó, diễn đàn đã để lại dấu ấn rất quan trọng trong cộng đồng doanh nghiệp, khẳng định được liêm chính nằm trong “trái tim” của hoạt động kinh doanh. 

Nhiều năm qua, VCCI đã có nhiều hoạt động thúc đẩy liêm chính trong kinh doanh, minh bạch trong nền kinh tế Việt Nam. VCCI đã trình Chính phủ Chương trình liêm chính trong kinh doanh và hiện đang được triển khai rộng rãi.

Tiếp bước đó, VCCI và Hội đồng tư vấn kinh doanh ASEAN (ASEAN BAC), Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) tổ chức diễn đàn khởi nghiệp ASEAN.

“Chúng tôi đề xuất tổ chức Diễn đàn này thường niên, hướng tới hình thành mạng lưới khởi nghiệp ASEAN, hướng tới khát vọng xây dựng ASEAN trở thành trung tâm khởi nghiệp sáng tạo của châu Á và thế giới”, Chủ tịch VCCI nhấn mạnh.

Theo đó, TS Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh, chúng ta đã có nhiều thực tiễn, kinh nghiệm tốt trong xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp ở các nước ASEAN riêng lẻ. Bây giờ là lúc chúng ta phải ngồi lại với nhau để chia sẻ kinh nghiệm, lan toả, tích hợp và nhân lên tạo hệ sinh thái khởi nghiệp của ASEAN, một thương hiệu ASEAN về khởi nghiệp sáng tạo.

“Trong lịch sử của ASEAN đã có những con hổ kinh tế mới, vậy tại sao trong thế kỷ này, chúng ta không tạo ra những vương quốc khởi nghiệp hàng đầu ở ASEAN”, Chủ tịch VCCI nhấn mạnh đồng thời mong muốn có sự chung tay của các quốc gia ASEAN trong nỗ lực này.

Cho biết Diễn đàn khởi nghiệp ASEAN đầu tiên năm 2020 sẽ mang thông điệp “Startup ASEAN” – ASEAN đứng lên, ASEAN khởi nghiệp, TS Vũ Tiến Lộc cho biết Diễn đàn sẽ chia sẻ về phát triển minh bạch và bền vững, chia sẻ các thực tiễn tốt, đồng thời chia sẻ các nền tảng chuyển đổi số.

Trong đó, chuyển đổi số không phải là việc của riêng các doanh nghiệp lớn, không phải việc “trên mây”, chuyển đối số là việc của tất cả các doanh nghiệp, bao gồm các doanh nghiệp siêu nhỏ, doanh nghiệp nhỏ và vừa. Các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa sẽ là chủ nhân của kỷ nguyên số chứ không chỉ là các doanh nghiệp lớn.

“Với kỹ thuật số và nền tảng công nghệ, thế giới đang nhỏ lại, các doanh nghiệp nhỏ sẽ trở lớn lên và đương đầu với các người khổng lồ. DNNVV bao giờ cũng là sương sống với mọi nền kinh tế. Vì vậy, làm sao để các DNNVV, DN nhỏ có thể thực hiện chuyển đổi số, có thể lớn lên, đó là trách nhiệm của chúng ta”, Chủ tịch VCCI nhấn mạnh. 

Mặt khác, TS Vũ Tiến Lộc cũng chia sẻ, các doanh nghiệp lớn có thể tự tiếp cận nền tảng số, còn các doanh nghiệp nhỏ rất cần nền tảng hỗ trợ như của VCCI, của các tổ chức quốc tế để các doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận, thực hiện chuyển đổi số. Đây cũng là cách để chúng ta thực hiện yêu cầu phát triển nền kinh tế bền vững.

Thực hiện: BAN TRUYỀN THÔNG HANSIBA

Theo: Diễn đàn doanh nghiệp _ https://enternews.vn/

Bài viết liên quan

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Hội viên tiêu biểu

- Advertisment -spot_img

Bài viết phổ biến nhất