Ngành Công nghiệp hỗ trợ (CNHT) Hà Nội đã tạo dựng, nâng cao năng lực cạnh tranh, thúc đẩy hợp tác, liên kết sản xuất với hệ thống các DN lắp ráp, các tập đoàn đa quốc gia, các chuỗi cung ứng, các DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) trên địa bàn Hà Nội, khu vực phía Bắc và cả nước cũng như xuất khẩu. Tuy nhiên, xoay quanh chuyện chuỗi cung ứng toàn cầu vẫn còn nhiều điều trăn trở.
Tại Hội nghị “Sơ kết giữa nhiệm kỳ I (2014 – 2019) và Triển khai thực hiện Đề án phát triển ngành CNHT TP Hà Nội, giai đoạn 2017 – 2019 định hướng đến năm 2025”, được Hiệp hội DN ngành CNHT TP Hà Nội (HANSIBA) tổ chức ngày 26/9/2017 vừa qua, đại diện cộng đồng DN CNHT Thủ đô, Cty TNHH Sản xuất và Thương mại HIKARI Việt Nam đã chia sẻ về chuyện tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu của DN mình.
Nâng tầm liên kết
Theo doanh nhân Nguyễn Đức Cường – Tổng Giám đốc Cty TNHH Thương mại và sản xuất HIKARI Việt Nam, Cty ông đang thiết kế, gia công chế tạo và sản xuất các sản phẩm khuôn mẫu và linh phụ kiện ngành nhựa dùng cho dây chuyền lắp ráp máy in, máy ảnh, ô tô, xe máy… và cung ứng cho linh kiện cho các tập đoàn đa quốc gia như: Canon, Nidec, Tenma, Nisei, Samsung…
Tuy nhiên, theo ông Cường, để nâng tầm DN cũng như ngành công nghiệp hỗ trợ Thủ đô nói chung, các DN cần phải tiếp cận được nhiều hơn với các DN, tập đoàn đa quốc gia để tìm đầu ra cho sản phẩm, cũng như tiếp cận được các nguồn vốn đầu tư trong và ngoài nước.
Ông Cường chia sẻ, việc có thêm các chương trình xúc tiến như kết nối giao thương cần bằng các chương trình cụ thể, trong đó chính quyền vừa là cầu nối, vừa là cơ quan giám sát việc thực hiện quá trình kết nối này, đưa mối quan hệ hợp tác thành mối quan hệ giữa các quốc gia, giữa các thành phố chứ không đơn thuần là mối quan hệ cá nhân hay quan hệ giữa Cty với Cty như hiện tại.
“Với các DN FDI khi đầu tư vào Việt Nam, ngoài các cơ chế chính sách ưu đã họ được hưởng, thì các DN đó phải có sự cam kết đặt hàng, nội địa hóa sản phẩm của họ” – ông Cường đề xuất.
Hà Nội cần có chính sách hỗ trợ để tạo ra các “DN đầu tầu” của nội địa, liên doanh nội địa và DN FDI để dẫn dắt các DN nhỏ, khởi nghiệp, khởi tạo ngành CNHT Thủ đô.
Ông Cường cũng kiến nghị, để tăng khả năng cũng như năng lực sản xuất và năng lực cạnh tranh, liên kết tham gia chuỗi sản xuất cung ứng toàn cầu, ngoài việc xây dựng chính sách cho các DN ngành CNHT, cũng cần tạo điều kiện để các DN được tiếp cận vay vốn ODA với mức lãi suất thấp nhằm đầu tư mua sắm thiết bị, máy móc, công nghệ tiên tiến của nước ngoài, đặc biệt là công nghệ từ Nhật Bản, Hàn Quốc…
Ông Cường ví dụ, tổng đầu tư 1 dự án khoảng 3 triệu USD. Theo chính sách hiện tại của ngân hàng, DN sẽ được vay tối đa 80%, tương ứng 2,4 triệu USD với mức lãi suất hiện tại khoảng 9%/năm. Nếu tính trả 1 lần và tính khấu hao trong vòng 7 năm thì số chi phí DN phải bỏ ra để đầu tư nhà máy sẽ vào khoảng hơn 4,5 triệu USD, tương ứng 150%. “Như vậy thực sự rất khó cạnh tranh, cũng như tồn tại hay phát triển DN” – ông Cường nhận định.
Dùng DN “đầu tàu” dẫn dắt
Ông Lê Hồng Sơn – Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội cũng nhìn nhận, ngành CNHT Hà Nội cũng đang bộc lộ nhiều hạn chế bất cập. Tỷ lệ nội địa hóa, năng suất, chất lượng còn thấp so với các nước khu vực. Ngành CNHT chủ yếu mới dừng ở gia công chế tạo các sản phẩm đơn giản, giá trị gia tăng thấp, phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu.
Do năng lực cạnh tranh thấp nên các DN CNHT Việt đang bị cạnh tranh rất quyết liệt bởi các DN đến từ các quốc gia. Nhiều DN CNHT Việt phải thu hẹp, chuyển hướng sản xuất, thậm chí nhiều DN đã phải đóng cửa, phá sản. Thực trạng đó, đòi hỏi phải nhanh chóng có sự đột phá. Đổi mới mạnh mẽ hơn nữa đối với ngành CNHT TP Hà Nội.
Để hỗ trợ các DN CNHT phát triển, nâng cao năng lực cạnh tranh, với vai trò là đại diện cho DN ngành CNHT Hà Nội, ông Nguyễn Hoàng, Đại biểu HĐND TP Hà Nội, Chủ tịch HANSIBA đề xuất Chính phủ nghiên cứu, xây dựng và trình Quốc hội sớm ban hành Luật CNHT. Đồng thời, xây dựng kế hoạch lộ trình cụ thể để phát triển các DN thuộc ngành CNHT và CNHT cho công nghệ cao để đến năm 2030 đạt tỷ trọng 3 -5% trên tổng số DN Việt Nam hoạt động sản xuất kinh doanh;
Quy hoạch cụ thể từng vùng kinh tế để phát triển ngành CNHT, tránh tình trạng “nhà nhà” phát triển, “tỉnh tỉnh – TP” phát triển CNHT để hạn chế tối đa lãng phí nguồn lực của đất nước và cạnh tranh đối kháng giữa các DN… Chính phủ cũng cần có gói giải pháp về vốn cho các DN CNHT như: lãi suất, thời gian vay, hạn mức vay… Đồng thời thành lập quỹ tài chính giành riêng cho các DN CNHT để thu hút mọi nguồn lực trong nước và quốc tế.
Ông Nguyễn Hoàng cũng kiến nghị, TP Hà Nội cần nghiên cứu, xây dựng “Bộ tiêu chí đánh giá DN CNHT đạt chuẩn” đảm bảo rõ ràng, minh bạch, cụ thể cho từng lĩnh vực sản xuất khác nhau, phù hợp yêu cầu của các tập đoàn đa quốc gia, các công ty FDI và phù hợp tiêu chuẩn quốc tế. Đồng thời, chỉ định đơn vị thẩm định, cấp giấy chứng nhận và xây dựng quy trình cấp giấy chứng nhận cho DN; Tổ chức đánh giá, cấp chứng nhận cho DN CNHT và xác định ưu đãi với các DN sản xuất sản phẩm CNHT thuộc danh mục sản phẩm CNHT.
Bên cạnh việc kêt nối các lĩnh vực, DN cụ thể, TP Hà Nội cần có chính sách hỗ trợ về nguồn vốn cho các DN CNHT; có chính sách ưu đãi cụ thể thiết thực cho khu CNHT Nam Hà Nội. Các DN thuộc ngành CNHT Hà Nội sẽ được thuê hạ tầng, nhà xưởng với giá ưu đãi và kết nối liên kết sản xuất tại KCN chuyên sâu này; Hình thành phát triển khu CNHT chuyên sâu, vườn ươm DN CNHT và CNHT cho công nghệ cao, trường đào tạo công nhân, quản lý chuyên sâu CNHT… Từ đó tạo thành chuỗi liên kết phát triển DN CNHT Hà Nội và quốc tế.
Đặc biệt, TP cần quan tâm và có chính sách ưu đãi đặc biệt cho các DN khởi nghiệp, khởi tạo trong lĩnh vực CNHT và CNHT cho Công nghệ cao, chẳng hạn như Thành phố cho vay hoặc thu xếp nguồn vốn tới 95% tổng vốn đầu tư với lãi suất ưu đãi đặc biệt cho Dự án sản phẩm CNHT và các chính sách ưu đãi khác tới các DN khởi nghiệp, khởi tạo trong lĩnh vực CNHT và CNHT cho công nghệ cao. Đồng thời hỗ trợ để tạo ra các “DN đầu tầu” của nội địa, liên doanh nội địa và DN FDI để dẫn dắt các DN nhỏ, khởi nghiệp, khởi tạo ngành CNHT Thủ đô.
Ông Lê Hồng Sơn – Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội: Chính quyền đồng hành cùng DN
Giai đoạn 2017 – 2020, Hà Nội tiếp tục dành sự ưu tiên tập trung đối với ngành CNHT. Mục tiêu đến năm 2020, TP Hà Nội sẽ có 900 DN chuyên sâu trong lĩnh vực CNHT, trong đó có 40% DN có hệ thống sản xuất và sản phẩm đạt chuẩn quốc tế, đủ năng lực cung ứng tham gia vào mạng sản xuất toàn cầu của các tập đoàn đa quốc gia. Để đề án phát triển CNHT TP giai đoạn 2017 -2020, định hướng đến năm 2025 đi vào cuộc sống và phát huy hiệu quả thực tế, TP sẽ ban hành và triển khai Chương trình phát triển CNHT cụ thể hàng năm.
Trong thời điểm hiện nay, khi áp lực toàn cầu hóa gắn với bảo hộ kinh tế của các cường quốc thế giới thì DN Việt Nam đã khó lại càng khó khăn khi triển khai SXKD. Trong đó, để tham gia được vào chuỗi sản xuất toàn cầu là một việc – một thách thức rất lớn.
Chúng tôi nhận định rằng cộng đồng DN Việt Nam nói chung và DN ngành CNHT nói riêng sẽ có cách làm riêng cùng với tâm huyết góp sức vào sự vững mạnh của đất nước, DN chúng tôi sẽ làm được. Tuy nhiên, hơn lúc nào hết, rất cần sự “đồng hành” cụ thể hơn nữa, quyết liệt hơn nữa của Nhà nước (là “Bà đỡ” – là “Điểm tựa”) thì DN Việt Nam sẽ đứng vững và phát triển sánh vai với các DN trên thế giới.
Hoàng Oanh
Nguồn theo :http://enternews.vn